Công ty nghiên cứu Rystad Energy dự kiến các công ty thăm dò, khai thác dầu khí mất khoảng 40% doanh thu năm 2020, tức khoảng 1.000 tỷ USD.

Ngành công nghiệp dầu khí thế giới kiếm được 2.470 tỷ USD doanh thu vào năm ngoái, theo Rystad Energy. Nhưng năm nay, doanh thu ngành này dự kiến giảm 40%, chỉ còn 1.470 tỷ USD khi Covid-19 làm tê liệt nhu cầu giao thông vận tải và buộc các công ty cắt giảm chi tiêu.

Trước khi có đại dịch, Rystad Energy dự báo doanh thu ngành dầu khí năm nay là 2.350 tỷ USD. Lợi nhuận cho năm 2021 hiện cũng được dự đoán thấp hơn, ở mức 1.790 tỷ USD so với dự báo 2.520 tỷ USD trước đại dịch.

Doanh thu của ngành này giảm mạnh, tương tự với hầu hết ngành khác trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái, đã thể hiện tương đối rõ trên thị trường chứng khoán. Ngành năng lượng đang thu hẹp nhiều đến mức nó trở thành nhóm nhỏ thứ hai trong toàn bộ chỉ số S&P. Ngành này hiện chỉ đóng góp 3% chỉ số, so với mức 15% một thập kỷ trước và 30% vào năm 1980.

Bên ngoài nhà máy lọc dầu của Pemex ở Monterrey (Mexico). Ảnh: Reuters.

Bên ngoài nhà máy lọc dầu của Pemex ở Monterrey (Mexico). Ảnh: Reuters.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán mức giảm nhu cầu kỷ lục là 9,3 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2020, bởi nhiều nền kinh tế lớn buộc phải đóng cửa và hàng triệu người dân ở trong nhà không biết đến khi nào. Du lịch hàng không đã giảm 95% tại Mỹ, là một ví dụ điển hình cho bức tranh hàng không thế giới.

Giá dầu Brent đã giảm hơn 60% từ đầu năm đến nay, về mức thấp nhất trong hơn 20 năm. Tháng 4/2020 cũng là tháng đầu tiên chứng kiến một hợp đồng tương lai dầu thô có giá âm khi thế giới không còn chỗ chứa dầu, buộc các nhà sản xuất phải dừng khai thác.

Exxon đang cắt giảm 30% chi tiêu trên toàn cầu. Giám đốc điều hành Exxon Darren Woods dự kiến nhu cầu dầu giảm từ 25% đến 30%. Chevron, BP, Shell và Saudi Aramco cũng tuyên bố cắt giảm chi phí hoạt động từ 20% đến 25%. Các công ty dầu mỏ cho đến nay đã bớt 54 tỷ USD chi tiêu theo kế hoạch, theo Reuters.

Dầu đá phiến của Mỹ, với chi phí sản xuất cao hơn nhiều đối thủ nước ngoài, đã cố gắng giảm khai thác. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ báo cáo rằng sản lượng hiện đã giảm một triệu thùng mỗi ngày, chỉ còn bơm lên 12,1 triệu thùng mỗi ngày vào tuần trước, so với mức 13,1 triệu thùng mỗi ngày vào giữa tháng 3.

“2020 đánh dấu năm mà giá trị các dự án dầu khí được phê duyệt mới thấp nhất kể từ những năm 1950, với tổng mức đầu tư còn 110 tỷ USD, thấp hơn một phần tư so với năm 2019, vì hầu hết dự án đều bị hoãn lại”, Rystad cho biết.

Dòng tiền của các công ty dầu mỏ năm 2020 cũng sẽ giảm xuống còn 141 tỷ USD, bằng một phần ba so với năm 2019. Nhưng con số đó dựa trên cơ sở kịch bản giá dầu là 34 USD mỗi thùng vào năm 2020 và 44 USD mỗi thùng vào năm 2021. Vì thế, Rystad cho rằng nếu mức giá thấp như hiện tại duy trì lâu thì mức độ rủi ro càng lớn hơn.

Cũng có một vài dự báo lạc quan về giá dầu. Ngân hàng MUFG của Nhật Bản dự báo giá dầu Brent tăng lên 35 USD mỗi thùng trong quý ba, đạt 46 USD mỗi thùng trong ba tháng cuối năm 2020 và đạt 49 USD mỗi thùng vào đầu năm 2021. Tất nhiên triển vọng vẫn phụ thuộc nhiều vào các biện pháp giãn cách xã hội và tiến độ dỡ bỏ phong tỏa, cách ly trên thế giới.

Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực dầu mỏ như Nga, Iraq, Saudi Arabia và nhiều quốc gia Trung Đông, Trung Á khác, sẽ chịu áp lực lớn từ suy giảm doanh thu của ngành này. “Sẽ rất khó khăn cho các quốc gia dầu khí như Nga và nhiều nước Trung Đông để duy trì ngân sách của họ”, ông Margaret Savenkova, chuyên gia phân tích của Rystad, nhận định.

Nguồn: Vnexpress